thanhauto

thanhauto

Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

Con hạc do dự


Con hạc do dự

Một buổi sáng, con hạc thức dậy, và quyết định thêu vào chiếc quần trắng của mình một bông hoa, nhằm tô thêm vẻ đẹp cho mình. Sau khi thêu được vài mũi, Công đi qua mới hỏi Hạc rằng: “ Chị Hạc, chị thêu hoa gì đấy?”
“Tôi thêu hoa đào, bông hoa thể hiện được vẻ xinh xắn đáng yêu của tôi”.
“Chị thêu hoa đào làm gì! Hoa đào chóng tàn, không phải điều may mắn, hãy thêu một bông hoa hồng đi, vừa thoải mái, vừa có điềm lành!”
Hạc nghe thấy cũng có lý, nên quyết định gỡ chỗ chỉ ra, thêu một bông hoa hồng. Khi đang thêu rất say mê, một chú gà cảnh đi qua .. “chị Hạc, bông hoa hồng này bé quá, lại đơn điệu, tôi nghĩ chị nên thêu một bông mẫu đơn, rất phú quý và hào hoa!”
Hạc cũng thấy có lý, lại gỡ chỗ bông hoa hồng ra, và bắt đầu thêu hoa mẫu đơn…
Sau khi bông hoa mẫu đơn thêu được một nửa, lại có tiếng nói “Cô Hạc, cô thích nghỉ ngơi, vui đùa trong đầm nước, đáng lý cô phải thêu hoa sen mới phải! Hoa sen vừa phù hợp với sở thích, vừa thanh đạm, trang nhã!” Hạc cũng lại thấy có lý, và lại gỡ hoa mẫu đơn, lại thêu lại hoa mới ….
… câu chuyện cứ thế tiếp diễn, và Hạc mãi không thêu được bông hoa nào hết
Lời bình:
Có nhiều bí quyết để thành công, nhưng chỉ có một bí quyết để thất bại, đó là cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người. Con hạc đã cố gắng theo ý kiến tất cả mọi người, vì nó không có lập trường và quyết định của mình.
Khi xử lý các việc, lập trường phải hết sức kiên quyết, vững vàng, không do dự thay đổi. Dù sao thì con người cũng có lúc đúng, lúc sai, nhưng nếu không kiên quyết vững vàng, thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ đi tới đâu hết.

Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2012

Ếch tìm vua ếch


Ếch tìm vua ếch

Ngày xưa, có một đàn ếch muốn nhờ thần Dớt (là vua của các vị Thần) ban cho một vì vua.
“Được, Nhà vua của các ngươi đây!”. Nói xong, thần Dớt ném xuống một miếng gỗ vào hồ nước của đàn ếch. “Ông ta có vẻ rất ít lời!” Đó là nhận xét của một con ếch về vị vua mới. “Có thể ông ta đang ngủ”.
Thế là các con ếch bắt đầu làm quen với cuộc sống có vị vua mới. Các con ếch nhỏ thì coi miếng gỗ như cầu nhảy cho mình, những con ếch già thì nằm sửi nắng, một số con ếch goi đó là chỗ dạy dỗ con cái.
Rồi một hôm, một con ếch già thốt lên “Tay vua này đần độn quá, tôi nghĩ chúng ta cần một vị vua mới có thể giữ tôn tin, trật tự, chứ tay vua này thì chỉ để mặc chúng ta muốn làm gì thì làm thôi!”
Thế là đàn ếch lại cầu xin thần Dớt cho một ông vua mới “năng động hơn”. Thần Dớt sẵn trong lúc nóng giận, đã gửi xuống một con cò, để làm vua của loài ếch.
Lúc đầu bọn ếch rất sung sướng vì vẻ đẹp và sự năng động của cò. Nhưng liền sau đó, chúng liền nhận ra rằng cuộc sống của mình đã hoàn toàn thay đổi… Cò dùng mỏ nhọn của mình, để bắt từng con ếch ăn thịt, và bọn ếch phải lặn sâu xuống nước. Mặc dù trật tự đã được thiết lập, nhưng không con ếch nào cảm thấy thực sự sung sướng.
Lời bình:
Nhà quản lý cần tránh 2 điều sau: Một là hiền như khúc gỗ, quá gần gũi với nhiên viên, không có một chút uy nào cả, Hai là quá nghiêm khắc với nhân viên, làm cho họ luôn sợ sệt, không có cảm giác an toàn.
Một người quản lý giỏi là người biết cách xử lý tốt hai vấn đề trên, làm sao vừa uy nghiêm, vừa nhân từ. Uy nghiêm thể hiện sự công bằng, thưởng phạt phân minh, còn nhân từ thể hiện qua tình thương và nhân nghĩa của bạn.  

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Đâu là nhân viên bán hàng giỏi?


Đâu là nhân viên bán hàng giỏi?

Yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa một nhân viên bán hàng giỏi với những đồng nghiệp bình thường đó là người bán hàng giỏi luôn phấn đấu để tăng thu nhập. Để bán được nhiều hàng, người nhân viên ấy phải tìm mọi cách thu hút và thuyết phục khách mua hàng. Họ nắm rõ sản phẩm đến từng chi tiết, họ biết thế giới bên ngoài cạnh tranh ra sao và quan trọng hơn cả, họ biết tạo ra mối quan hệ thân mật với từng khách hàng.
Động lực kiếm được thu nhập cao chính là một nét tiêu biểu của người bán hàng giỏi. Thế nhưng, nếu quyết định tuyển dụng của bạn dựa trên thành tích trong quá khứ của ứng viên thì chưa hẳn bạn đã tìm được một nhân viên bán hàng giỏi.
Nguyên nhân là có thể người ấy đã nắm bắt được vài cơ may và đã có mặt đúng chỗ, vào đúng thời điểm mà khách hàng sẵn sàng bỏ tiền mua hàng.
Có không ít nhà quản trị chọn lựa những cá nhân trông có vẻ dễ mến vì cho rằng đó là một điểm mạnh mà biết phát huy thì sẽ có nhiều khách hàng và bán được nhiều hàng.
Thế nhưng thực tế không phải như vậy. Những ứng viên có ngoại hình khả ái, dễ mến thường phù hợp với vị trí chăm sóc khách hàng hơn là bán hàng.
Trong lúc phỏng vấn ứng viên, bạn nên xem xét một số dấu hiệu dưới đây để thấy được những đặc điểm của một nhân viên bán hàng giỏi:
Họ thẳng thắn đặt ra những câu hỏi liên quan đến tiền bạc. Khi được phép hỏi, ứng viên sẽ hỏi liệu lương của họ có bị giới hạn bởi mức trần, thu nhập của nhân viên bán hàng giỏi hiện được bao nhiêu, công ty có hỗ trợ đặc biệt nào để giúp nhân viên giỏi có lợi thế đặc biệt trong công việc, nếu chỉ bán được hàng ở mức vừa phải thì thu nhập hằng tháng của nhân viên là bao nhiêu…
Họ ưa thích những gì mua sắm được bằng thu nhập của mình. Nếu họ chuyển sang đề tài về những thú vui hoặc dự định mua sắm bằng thu nhập, hãy cứ để họ tiếp tục vì đó chính là dấu hiệu chứng tỏ ứng viên đã từng làm được nhiều tiền và đang có hứng thú bán được nhiều hàng để nhận được thu nhập cao.
Hẳn nhiên, họ có những bận tâm về chi phí sinh hoạt hằng ngày như bao người khác, song nếu họ muốn kiếm nhiều tiền hơn để đi nghỉ mát hay sắm sửa chiếc xe mới thì hãy nghĩ đến doanh số họ sẽ mang về cho công ty.
Họ đi làm ngay từ nhỏ. Hầu hết những ai có hứng thú với việc kiếm tiền để mua những thứ họ thích thì thường đi làm từ khi còn rất trẻ.
Kinh nghiệm thu được trong cuộc sống giúp họ trở nên dạn dày và sành sỏi hơn người cùng tuổi, đồng thời họ còn tích lũy được cả nghệ thuật chào hàng, thuyết phục khách mua hàng.
Họ đặc biệt quan tâm đến kỹ năng chốt lại buổi bán hàng thành công của người khác. Bạn có thể nêu một ví dụ cho các ứng viên biết rằng một nhân viên bán hàng xuất sắc tại doanh nghiệp của bạn có thể kiếm mức lương cao khó ngờ.
Nếu ứng viên hỏi bạn rằng nhân viên xuất sắc ấy đã gọi bao nhiêu cuộc điện thoại trong một tuần, bằng cách nào người ấy đã thuyết phục được khách hàng mua số lượng hàng khổng lồ… thì đó là người mới mà bạn nên quan tâm tìm hiểu sâu hơn để ra quyết định tiếp nhận.
Nguồn: DNSG

5 yếu tố cấu thành văn hóa doanh nghiệp


5 yếu tố cấu thành văn hóa doanh nghiệp

Ngoài việc làm ăn tìm kiếm lợi nhuận, các thành viên trong doanh nghiệp thường xuyên phải giao tiếp, trao đổi và cùng nhau thực hiện các mục tiêu chung tại công sở, thông thường là 8 tiếng một ngày và 5 ngày một tuần. Như vậy, đa số các thành viên trong một doanh nghiệp đều ít nhiều có quan hệ gắn bó với nhau trong công việc trong một thời gian dài. Chính vì vậy, giữa những thành viên này đã xuất hiện những quy ước về cách ăn mặc, giao tiếp, học tập, rèn luyện, làm việc… Các quy ước thành văn và không thành văn này dần dần đã trở thành các chuẩn mực làm việc tại nơi công sở và được gọi là văn hóa doanh nghiệp.
Trình độ văn hóa doanh nghiệp là tổng hợp các nhóm yếu tố nền tảng, các hoạt động văn hóa và các giá trị văn hóa do các thành viên trong doanh nghiệp xây dựng và phát triển, đã được chính các thành viên trong doanh nghiệp và các khách hàng chấp nhận là phù hợp với các chuẩn mực của văn hóa xã hội.
1. Các yếu tố hữu hình
Trong nhóm các yếu tố nền tảng của trình độ văn hóa DN, người ta có thể dễ dàng nhận ra các yếu tố hữu hình của văn hóa như: kiến trúc trụ sở, văn phòng, biển hiệu, tên gọi, khẩu hiệu, trang phục cán bộ nhân viên, ngôn ngữ sử dụng… Đây chính là hình thức thể hiện bên ngoài của văn hóa. Tới thăm một DN có trụ sở to đẹp, biển hiệu rõ ràng, bảo vệ đứng hai bên, thấy nhiều người ra vào ăn mặc lịch sự… nhiều người có thể có thiện cảm và bước đầu đánh giá văn hóa DN này có thể ở mức cao.
2. Chất lượng ban lãnh đạo và nhân viên
Hình thức cũng quan trọng, nhưng nội dung mới là cái quyết định văn hóa. Có nhiều DN không có trụ sở to, chưa biết làm PR hay quảng cáo, nhưng đội ngũ lãnh đạo và đa số nhân viên lại có nhiều phẩm chất tốt đẹp, đa số sống và làm việc theo pháp luật, theo nội quy và các chuẩn mực của văn hóa Việt Nam. Văn hóa DN được xây dựng bởi đa số các cá nhân trong DN. Cho nên, chất lượng ban lãnh đạo DN và các nhân viên chủ chốt đóng vai trò quan trọng nhất trong việc định hướng và quản lý các hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và văn hóa DN nói riêng.
Nếu ai đó trong ban lãnh đạo tối cao như chủ tịch hay tổng giám đốc là người thiếu các phẩm chất của nhà lãnh đạo như thiếu hiểu biết, thiếu đạo đức, thiếu kỹ năng, có hành vi ứng xử thiếu văn hóa… thì rất khó có thể lãnh đạo DN xây dựng được một nền văn hóa tiên tiến. Có lẽ đa số nhân viên đều có cảm nhận là không muốn làm việc cho các DN kiểu này. Thậm chí, quan trọng hơn, là các khách hàng có văn hóa cũng không muốn làm ăn với các ông chủ ở dạng này.
Người xưa thường dùng câu “chủ nào, tôi ấy” để lấy tiêu chuẩn đạo đức hay văn hóa của người làm thuê trung thành mà miêu tả về nhân cách của ông chủ. Ngày nay, phần lớn các quan hệ lao động trên thế giới đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, mặc dù ở mức độ ít hay nhiều, vẫn còn có nơi có lao động cưỡng bức và lao động bóc lột. Nhưng câu nói này vẫn có ý nghĩa triết lý vì nó phản ánh mức độ tác động nhất định của văn hóa ông chủ tới văn hóa của các nhân viên trong cùng một DN. Chính vì vậy mà gần đây các diễn đàn thường bàn nhiều về văn hóa doanh nhân và danh hiệu doanh nhân văn hóa. Về cơ bản các khái niệm này cũng dựa trên các cơ sở lý luận về văn hóa cá nhân trong văn hóa doanh nghiệp và văn hóa cộng đồng xã hội.
Đối phó tình trạng nhân viên nghỉ làm như cơm bữa
Đối phó tình trạng nhân viên nghỉ làm như cơm bữa
3. Các quy định về văn hóa
Không cần biết định nghĩa văn hóa doanh nghiệp là gì thì doanh nghiệp nào cũng có các yếu tố văn hóa DN một cách tự nhiên ở các mức độ khác nhau. Chắc chắn ban lãnh đạo DN nào cũng đều quan tâm tới văn phòng, nhà máy và không gian làm việc cho mọi nhân viên. DN nào mà chẳng có điều lệ, các quy định, nội quy… ban hành bằng văn bản, phổ biến cho các phòng ban thực thi. Đây là đòi hỏi bắt buộc của xã hội cũng như của luật pháp đối với hoạt động của DN, để đảm bảo rằng DN kiếm được lợi nhuận nhưng cũng phải thực hiện các nghĩa vụ như nộp thuế, đóng góp bảo vệ môi trường, tôn trọng thuần phong mỹ tục quốc gia…
  • Đạo đức kinh doanh
  • Giá trị theo đuổi
  • Niềm tin
  • Thái độ ứng xử
  • Hành vi giao tiếp
4. Các quy ước chưa thành văn
Theo quan sát của tác giả, đa số các DNVN đều có các quy ước không thành văn và chưa thể cho thành văn quy định về các hoạt động văn hóa. Có lẽ do các quan niệm đạo đức và tồn tại xã hội có mâu thuẫn mà có nhiều điều khó lý giải đúng sai. Vì vậy, trong gia đình, xã hội hay DN vẫn có những quy ước không thành văn về nhiều công việc như: Thăm hỏi thủ trưởng và anh em trong các dịp lễ tết; tặng quà và tặng tiền; không đồng tình với tình yêu công sở; người trẻ tuổi hơn thì đi pha trà cho cả phòng vào buổi sáng; uống trà và nói chuyện với nhau trong giờ giải lao…
Các quy ước không thành văn có ưu điểm là tế nhị và linh hoạt trong giao tiếp, nhưng cũng có nhược điểm là tạo ra các khoảng cách nhất định và đôi khi là thói nịnh bợ cấp trên, dễ dẫn tới chạy chức, chạy quyền… Nếu chủ DN không có các tiêu chí khoa học và chi tiết để đánh giá chất lượng nhân lực trước khi bổ nhiệm thì dễ để lọt người tài và sử dụng nhầm người.
5. Sự tham gia của ban lãnh đạo và nhân viên
Lãnh đạo tối cao DN như các vị chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc… mà không tham gia dẫn dắt các hoạt động văn hóa DN, không gương mẫu trong cả cuộc sống lẫn công việc, thì thật khó có thể duy trì và phát triển được các giá trị nền tảng của văn hóa DN. Lãnh đạo DN thấy nhân viên múa dạng khỏa thân trong hội diễn hay ca hát nhại lời tác phẩm nổi tiếng… mà không ngăn chặn ngay, thì văn hóa DN tốt đẹp lâu năm có thể bị hủy hoại trong vòng vài ngày. Điều này chứng tỏ vai trò lãnh đạo của chủ DN là rất quan trọng trong mọi vấn đề của quản trị DN kể cả việc quản lý văn hóa DN.
Các hoạt động âm nhạc, thể thao, nghệ thuật… thể hiện trình độ hiểu biết và hưởng thụ văn hóa của các thành viên trong DN, nhưng không vì thế mà đánh giá quá cao chỉ số này trong nhóm yếu tố nội hàm của trình độ văn hóa DN. Có DN không có điều kiện để tổ chức các sự kiện như thi hát, hội diễn văn nghệ, thi đấu thể thao thường xuyên, không có đội bóng lớn… nhưng lại có các giá trị văn hóa rất cao ở các chỉ số khác. Có DN tốn nhiều tiền của và thời gian cho các hoạt động nhằm quảng bá văn hóa và thương hiệu cho DN nhưng lại không nắm chắc các nội dung thể hiện, các quy ước về thuần phong mỹ tục của dân tộc và nhân loại, lại thiếu quản lý chặt chẽ, cho nên đã để xảy ra các sự cố đáng tiếc, làm tổn hại uy tín của DN.
Trích từ bài viết của
Tiến sỹ Hoàng Đình Phi
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sannam VNN

Bí quyết diễn thuyết hút hồn đám đông cho doanh nhân


Bí quyết diễn thuyết hút hồn đám đông cho doanh nhân

Bạn không phải là một diễn giả tồi như bạn tưởng. Một chút căng thẳng lo âu cũng là điều tốt. Và khán giả rất ích kỉ. Nếu bạn gặp một vấn đề cực kì căng thẳng, hãy gọi điện cho một giáo sư.
 
Điều quan trọng cần nhớ số 1: Bạn không phải là một diễn giả tồi như bạn tưởng. “Khi chúng tôi cho mọi người trong nhóm, những người nhút nhát nói chuyện với nhau, họ đều làm tốt hơn họ nghĩ rất nhiều. “Bạn thường có xu hướng đánh giá thấp khả năng của chính mình khi cảm thấy rụt rè hay e ngại,” phát biểu của giáo sư Lynne Henderson, giám đốc Shyness Institute, tổ chức phi lợi nhuận tại Berkeley, California.
Điều quan trọng cần nhớ số 2: Một chút căng thẳng lo âu cũng là điều tốt. Bởi điều đó nghĩa là bạn rất thận trọng và quan tâm làm thế nào để mọi thứ đúng đắn. Và thứ đúng đắn trong tình huống này chính là những thính giả. Điều cuối cùng mà thính giả muốn làm là ngồi nguyên một chỗ trong nửa tiếng, xem ai đó bồn chồn và khó khăn khi phát biểu. Họ chỉ muốn lắng nghe một người biết kiểm soát bản thân. Bởi một người kiểm soát được bản thân là một người có khả năng giúp đỡ, đó mới là điều cần lưu tâm nhất.
Khán giả rất ích kỉ: Đó là chìa khoá cho mọi thứ.
Phần đầu tiên
Hãy nhìn những thính giả này. Không, thật sự đấy, hãy nhìn và quan sát họ. Làm thế nào bạn giúp được họ? Làm thế nào bạn tạo cho họ sự khác biêt? Bạn có những thứ gì mà họ cần?
“Hãy giao tiếp bằng mắt. Đặt vai bạn vuông góc với thính giả. Điều đó sẽ khiến ánh đèn làm mắt bạn trông sáng hơn và mọi chuyện sẽ diễn ra theo một cách rất riêng,” Nancy Ancowitz, huấn luyện viên giao tiếp kinh doanh và tác giả cuốn sách Thăng Tiến vào Nội Tâm nói. “Bạn sẽ nói, tôi thực sự muốn nhìn thấy tất cả những người đang ở trước mặt tôi và mang cho họ những gì giá trị nhất.”
Quan sát thính giả – khiến người nghe tập trung – là điều bạn cần làm trong bất cứ cuộc đối thoại nào, ngay cả khi chỉ có mình bạn nói. Và để có được cuộc đối thoại thành công, bạn cần truyền cho thính giả có một cảm xúc như là đang nói chuyện riêng tư. Điều đó giúp bạn khám phá ra con người họ, theo một cách rõ ràng chứ không phải mơ hồ. “Tôi sẵn lòng ở đây” đương nhiên không thể tốt bằng “Tôi sẵn lòng ở đây để nói chuyện cùng bạn.”
Và sau đó, rất rõ ràng, không giới thiệu văn hoa thêm nữa, hãy nói với họ bạn định làm những gì tiếp theo.
“Hãy tuyên bố rõ ràng những gì bạn định làm để mang lại cuộc sống mới tốt hơn cho những người đang lắng nghe bạn, và đặt chính bạn vào hoàn cảnh của họ,” Ancowitz nói. “Bạn có gì? Họ cần gì? Nơi nào hai thứ đó sẽ gặp nhau?”
“Tôi ở đây bởi vì …” không phải là một cách tồi để bắt đầu mọi thứ. Bất cứ tình huống nào chất đầy tính cấp thiết, tầm quan trọng hay quá trình, ví dụ điển hình như là một bài diễn thuyết, thì nên bắt đầu bằng việc làm giảm nhẹ chúng đi. Vì thế hãy nói với họ bạn định phát biểu những gì. Sau đó hãy thiết lập uy tín của bạn. Chúng ta sẽ giả sử rằng một phần của bài diễn thuyết liên quan tới câu chuyện kinh doanh của chính bạn. Câu chuyện đó sẽ rất hay, vì bạn biết rõ hơn bất cứ người nào khác. Và ai cũng thích một câu chuyện hay được kể bởi một cách hay.
Câu chuyện kinh doanh
Sau đây là ba lời khuyên được “lưu truyền” trong công ty Esquire:
1. Tiêu đề có thể nhạt nhẽo, nhưng câu chuyện không thể để nhạt nhẽo
2. Bạn chính là người phụ trách câu chuyện đó
3. Người nghe sẽ không để xót bất cứ tình tiết nào
Ba lời khuyên này cũng đúng với một bài diễn thuyết.
Bài diễn thuyết của bạn có thể có một tiêu đề không hấp dẫn, nhưng tự bản thân bài diễn thuyết thì phải hấp dẫn. Bạn là người làm chủ bài diễn thuyết. Và bạn cần dẫn dắt mọi thứ tiến lên theo chiều hướng tốt đẹp. Mỗi một phút giây, hãy làm cho nó trở nên rõ ràng hơn. “Hãy đưa cho thính giả một vài thứ để họ “cất làm của riêng”. Những ý tưởng, mẹo nhỏ, bí quyết- bất kì thứ gì có ích,” nói theo giáo sư Karl Albrecht, nhà tư vấn quản lí và là tác giả cuốn sách Thông Minh Giao Tiếp: Khoa Học của Sự Thành Công. “Sau tất cả những thứ đó, họ sẽ có những mục đích riêng khi dùng chúng.” Nhưng hãy để giờ phút này đi đúng hướng. Bạn làm chủ câu chuyện. Hãy dẫn dắt mọi thứ.
Phong cách bên ngoài của bạn
Hãy trông thật phong độ. Năng lượng của bạn trong suốt bài diễn thuyết phải ở đâu đó giữa “cực kì phấn khích khi ở đây” và “nhiệt huyết ở mức hòa nhã.” Nói như Ancowitz: “Không cần thiết phải thúc đẩy quá mức, không cần thiết phải nói to, không cần thiết phải khăng khăng về mọi thứ để gây áp lực cho mọi người.” Không cần thiết phải bán sản phẩm nào ở đây cả, đó là những gì mà bà nói. Mua bán có thể để vào lúc khác khi bạn có những thời điểm thích hợp. Trên sâu khấu, phải đầu tư nhiều công sức hơn. Hãy nghĩ về một bài diễn thuyết thật xứng tầm. Mọi bài diễn thuyết xứng tầm bao giờ cũng liên quan đến bán một sản phẩm nào đó, nhưng mua bán chỉ là thứ phụ thôi. Phần chính là thông tin bạn mang lại cho thính giả.
Và nếu có thể, đừng di chuyển liên tục trên sân khấu nhiều quá. “Bạn đang biểu diễn tiết mục nhảy đấy à?” Ancowitz hỏi (Chúng ta hãy tiếp tục nhé và tôi sẽ thay bạn trả lời là: Không.) “Thế đấy, nếu bạn đứng trước một đám đông, bạn có thể muốn chân mình đặt vững chãi trên mặt đất, hay khẽ hờ trên không trung. Nhưng bạn sẽ không muốn di chuyển nếu như không có một mục đích nào đó.”
Mỗi một động tác trên sân khấu đều đáng được lưu tâm. Khi bạn dậm chân trái, mọi người sẽ chú ý. Khi bạn gãi gãi cằm, mọi người cũng sẽ chú ý. Khi bạn tự chơi nhập vai với bản thân, mọi người lại càng chú ý hơn. Nên hãy thật phong độ. Thính giả nhìn thấy mọi thứ. Và tự kiềm chế những hành động này cũng là một cách khiến bạn bình tĩnh hơn.
Làm thế nào để kiểm soát mọi thứ
Bạn hỏi thính giả sau bài phát biểu họ có bất cứ câu hỏi nào không, rồi đợi chờ họ giơ tay một cách kiên nhẫn như là khi năm người đang cố gắng chia phần tráng miệng ra thành ba phần sau khi đã ăn no ư? Biết gì không, đây có thể sẽ là một trải nghiệm khó chịu đối với bạn đấy.
Yêu cầu một người nào đó phát biểu không phải là một vấn đề. Vấn đề nằm ở chỗ chẳng ai thấy thoải mái cả cho tới khi có một người xung phong. Nên cách tốt nhất để kiểm soát mọi thứ là bảo với thính giả hãy giơ tay nếu họ có câu hỏi (hoặc hét to câu hỏi đó lên) và sau đó: Bạn hãy tiếp tục phát biểu đi! Hi vọng rằng ngay sau đó bạn sẽ bị thính giả ngắt lời mình.
Trong trường hợp không có câu hỏi nào thật, thì bạn nên chau chuốt lại bài diễn thuyết của mình. Bởi bạn đã không thể làm họ tự hỏi bản thân câu chuyện của bạn có ảnh hưởng gì tới cuộc sống của họ không. Bởi bạn chưa tạo ra được một cuộc hội thoại. Bạn đang nói cho họ, không phải nói với họ. Thế nên, càng nhiều thính giả giơ tay, bạn càng ghi được nhiều điểm.
Mục tiêu mà bạn đặt ra nên ở nơi mà bạn có thể nói: “Chúng ta chỉ còn thời gian cho một câu hỏi nữa thôi.” Đây sẽ là điều tuyệt vời nhất. Điều này có nghĩa là bạn đã kích thích được họ. Bạn đã chỉ ra được những gì mà bạn có thể làm cho họ. Nó cũng có nghĩa là thính giả đã hoàn toàn hiểu điều đó và họ muốn hỏi rõ hơn để biết câu chuyện của bạn có phải là thứ họ đang cần hay không. Bạn đã thành công rồi đấy, cả trên sân khấu và cả ở ngoài đời thường.
* Nếu bạn gặp một vấn đề cực kì căng thẳng, hãy dừng đọc những dòng tiếp theo và gọi điện cho một giáo sư nào đó yêu cầu sự giúp đỡ. Và đọc cái này trong lúc đang ngồi đợi vị giáo sư khả kính kia. Bởi vì nó không đáng để bạn phải lo lắng đâu.
Những bí quyết chuyên môn đáng nhớ
Không thăm dò ý kiến của một nhóm nhỏ hơn 10 người bằng cách giơ tay biểu quyết.
Không được tưởng tượng ra thính giả trong trang phục đồ lót.
Không được tưởng tượng ra bạn trong trang phục đồ lót.
Không nhìn vào đồng hồ. Nếu bạn bắt đầu băn khoăn bạn còn bao nhiêu thời gian, trong đầu thính giả sẽ nghĩ bao giờ thì bạn xuống sân khấu.
Khi bắt đầu chỉ cảm ơn không quá ba người.
Không cho tay vào túi.
Trừ phi bạn là diễn viên hài độc thọại. Từ những năm 60.
Không được chớp mắt một cách rất kịch khi đang nói tới điểm quan trọng trong bài diễn thuyết.
Không được di chuyển cánh tay một cách rất kịch khi đang nói tới điểm quan trọng trong bài diễn thuyết.
Hoặc là chân.
Hoặc là hông. Hay lắc eo.
Hoặc tay, chân, hông của bất kì ai khác.
Và để trọng lượng những lời nói này cho người đọc phán xét.

Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

INNOVA - 2012


Toyota Innova 2012: Cải tiến nhẹ nhàng

- BƯỚC SANG PHIÊN BẢN 2012, TOYOTA INNOVA MANG TRÊN MÌNH MỘT SỐ CẢI TIẾN NHỎ VỀ MẶT THIẾT KẾ NỘI-NGOẠI THẤT.

Trong triển lãm xe quốc tế Indonesia 2011, hãng Toyota đã chính thức trình làng Innova phiên bản facelift vốn được người hâm mộ chờ đợi bấy lâu. Bước sang phiên bản 2012, Toyota Innova mang trên mình một số cải tiến nhỏ về mặt thiết kế nội-ngoại thất.
Đầu tiên, có thể nhận ra phần mũi mới trên Toyota Innova 2012, gợi liên tưởng đến "người anh em" Camry phiên bản facelift. Bằng chứng cho sự tương đồng chính là hình dáng lưới tản nhiệt và hốc gió trên cản va dưới. Phía sau, hãng Toyota cung cấp cho Innova 2012 cụm đèn hậu tái thiết kế được chia làm 3 phần thay vì 2 như trước.
Bên trong, Toyota Innova 2012 sở hữu bảng táp-lô khác biệt. Chất liệu gỗ không còn bao quanh hốc điều hòa trung tâm như cũ. Thay vào đó, chỉ có hai dải gỗ mỏng bao quanh bảng điều khiển dành cho hệ thống điều hòa và giải trí. Bên cạnh đó là vô lăng tái thiết kế.
Khi có mặt trên thị trường, Toyota Innova 2012 được chia thành khá nhiều phiên bản như J, E, G, V, G Luxury và V Luxury. Cung cấp sức mạnh cho Toyota Innova 2012 là khối động cơ xăng 2.0 lít, đi kèm hộp số tự động hoặc sàn.